Có 2 cách trồng cây Giáng Hương phổ biến nhất hiện nay đó là:
- Gieo hạt: trước tiên, bạn cần chọn những hạt giống khỏe mạnh, không bị lép, rồi mang đi ngâm trong nước ấm từ 8 – 10 tiếng. Sau đó, vùi hạt giống đã ngâm vào trong cát ẩm. Chờ đến khi hạt ra cây con thì cho ra đất trồng như bình thường là được.
- Giâm cành: chọn những cành khỏe mạnh từ cây Giáng Hương mẹ để làm giống, sau đó ngâm vào trong dung dịch kích rễ từ 6 – 8 tiếng. Tiếp theo đó, bạn giâm cành xuống dưới đất trồng. Và cuối cùng là tưới nước đều đặn để cây nhanh ra rễ.
Cách trồng cây Giáng Hương
Trồng cây giáng hương không quá phức tạp; tuy nhiên cần chú ý đến một vài nguyên tắc cơ bản trong kỹ thuật trồng loại cây này như:
- Bước 1: Chuẩn bị mặt bằng
Dọn vệ sinh khu vực trồng cây giáng hương. Khi trồng cây trên vỉa hè, đường phố phải có biển báo để không gây tai nạn cho người tham gia giao thông.
- Bước 2: Định vị vị trí trồng cây giáng hương và đào hố
Dựa vào bản vẽ kỹ thuật để xác định vị trí trồng cây giáng hương. Đóng cọc để xác định vị trí trí đào hố.
Đào hố trồng cây: Đào hố theo đúng tiêu chí kỹ thuật; kích thước hố đào phải lớn hơn kích thước bầu cây 30 – 40 cm. Miệng hố phải lớn hơn đáy hố để thuận tiện cho việc cho cây vào và lấp đất.
Lưu ý: Đối với việc trồng cây giáng hương tại các công trình có các đường dây điện, đường ống ngầm… phải hết sức cẩn trọng. Tốt nhất nên nghiên cứu thật kỹ bản vẽ hạ tầng hoặc làm việc với người phụ trách về hệ thống ngầm để tránh những thiệt hại không mong muốn.
- Bước 3: Tập kết cây giống và kiểm tra bầu cây, quy cách cây giáng hương
Việc tập kết cây giống tùy thuộc vào quy mô cũng như yêu cầu của từng công trình
Tiếp theo kiểm tra lại hiện trạng các bầu cây xem có bị bể vỡ hay không; bước này được thực hiện tại vườn trước khi mang tới công trình.
- Bước 4: Trộn hỗn hợp trồng cây giáng hương
Hỗn hợp này gồm xơ dừa, tro trấu, phân bò, phân vi sinh tỷ lệ hỗn hợp như sau 50% sơ dừa + 30% tro trấu + 15% phân bò + 5% phân vi sinh.
Lưu ý: Đối với những nơi bị ngập nước thì nên hạn chế sử dụng sơ dừa và tro để tránh làm cho cây luôn bị úng nước. Thay vào đó sử dụng cát san lấp trộn thêm phân bò, phân vi sinh để hố trồng cây nhanh thoát nước. Hỗn hợp được đảo đều với lớp đất mặt trước khi cho vào hố.
- Bước 5: Trồng cây
Trồng cây là công đoạn rất quan trọng. Nếu cây có kích thước nhỏ thì việc vận chuyển cây trồng đơn giản, còn đối với cây có kích thước lớn phải sử dụng xe cẩu thì phải cẩn thận tránh va đập làm bể bầu cây.
Tiến hành xé bầu và đặt cây vào đúng vị trí hố trồng. Sau đó tiến hành lấp đất cùng hỗn hợp đã trộn.
Khi cho hỗn hợp vào được 2/3 hố tiến hành tưới đẫm nước và tiếp tục cho đất tiếp. Chôn bầu cây bằng hoặc cao hơn mặt đất 1 – 2cm. Tạo bồn quanh cây trồng để thuận tiên cho việc tưới nước.
- Bước 6: Chống cây
Sau khi trồng xong tiến hành chống cây, thường thì sử dụng 3 cây chống nhưng với cây có kích thước lớn hơn thì sử dụng 4 cây. Cây chống thường ở độ cao 2/3 cây chiều cao của cây trồng.
- Bước 7: Tưới phân kích thích rễ
Sau khi trồng xong tiến hành tưới thuốc kích thích rễ quanh gốc và duy trì việc tưới thuốc 1 lần/tuần.
Một tuần sau trồng, cần phải tiến hành kiểm tra tình trạng của cây, để kịp thời có giải pháp ứng biến với các trường hợp xấu như: cây chết… đảm bảo đúng tiến độ của công trình.
Sau một tháng cần phải tiến hành làm cỏ, ở việc làm cỏ phải chú ý cẩn thận tránh làm cho cây bị chết. Ngoài ra, hàng năm theo định kỳ cứ 6 tháng phải làm cỏ, bón phân và vun gốc một lần.
Mặt khác, nếu như phát hiện cây giáng hương mắc sâu bệnh thì cần phải tiến hành chăm sóc và chữa trị cây ngay để tránh lây lan sâu, bệnh trên nhiều cây khác.
Cây Giáng Hương trồng không phức tạp tuy nhiên, bạn cần nắm rõ kỹ thuật trồng để cây không bị chết.
Cách chăm sóc cây Giáng Hương
Đối với loại cây này, tùy vào từng thời điểm mà chúng ta có cách chăm sóc khác nhau. Có 2 thời điểm đáng lưu ý trong chu trình sinh trưởng của cây đó là cây còn nhỏ (lúc mới trồng đến cây 12 tháng) và cây đã lớn (từ 12 tháng trở lên)
Chăm sóc cây con
Đối với cây con, bạn nên tưới nước đủ, làm ẩm đất vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều muộn. Khi cây nhỏ thì tưới mỗi ngày 2 lần, mỗi lần tưới khoảng 2 – 3 lít/m2. Khi cây đã lớn, mỗi ngày tưới 1 hoặc 2 lần, mỗi lần tưới khoảng 4 – 5 lít/m2. Khoảng 15 ngày sau khi trồng, bạn nên làm cỏ, phá váng để ngăn cản cỏ dại.
Khi cây con sinh trưởng đến lúc có chiều cao 10 – 15cm, bạn hãy tiến hành đảo bầu để tránh trường hợp rễ của cây phát triển xuyên qua túi bầu. Bạn hãy sắp xếp những cây có cùng chiều cao ở cạnh nhau để dễ dàng trong việc chăm sóc và bón thúc.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần bón thúc cho những cây Giáng Hương sinh trưởng kém bằng cách phun Urê hoặc Sunfat đạm với liều lượng 0,25 gram, hoặc phân NPK 16-16-8 pha loãng 1%. Một lưu ý cho bạn đó là sau khi bón thúc thì phải tưới lại bằng nước.
Ngoài ra, trước khi xuất vườn 2 – 4 tuần, nên ngừng hẳn việc tưới phân và giảm lượng nước khi tưới để kìm hãm cây lại, giúp cây con quen dần với điều kiện khó khăn khi đem trồng thực tế. Thời gian nuôi cây con trong vườn ươm cây là 8 – 12 tháng, cây con đạt chuẩn có chiều cao 30 – 45cm, đường kính cổ rễ 5 – 6mm thì có thể xuất vườn để trồng.
Chăm sóc cây Giáng Hương trưởng thành
Vì là một loại cây tự sinh trưởng tốt trong điều kiện môi trường ngoài trời nên bạn không cần phải chăm sóc tỉ mỉ cho cây Giáng Hương. Tuy nhiên, cứ 6 tháng 1 lần bạn nên làm cỏ, bón phân và vun đất gốc cây một lần. Bạn có thể bón phân theo liều lượng 100gram phân NPK một lần bón và chỉ bón phân trong 3 năm đầu.
Hy vọng với những thông tin hữu ích trên bạn đã nắm được một số kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Giáng Hương – một loại cây không chỉ làm đẹp cho không gian mà còn tạo nên mùi hương đặc trưng cho nơi ở của mình.
Reviews
There are no reviews yet.